TOEIC LISTENING: CHIẾN THUẬT TĂNG ĐIỂM BÀI THI LISTENING TRONG KÌ THI TOEIC

  Phần Nghe TOEIC – Listening TOEIC là một trong hai phần thi quan trọng nhất, trọng số chiếm tới 495/990 điểm trong bài thi. Phần thi này nhằm mục tiêu đánh giá kỹ năng nghe – hiểu và nắm bắt thông tin, từ đó đưa ra các đánh giá về khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh. Để đạt được số điểm tốt trong bài thi này, chúng ta cần có phương pháp học tập, ôn luyện và làm đề hiệu quả và hợp lí. Dưới đây là một số chiến thuật chúng tôi đã tổng hợp giúp bạn tăng điểm phần thi Listening mỗi ngày: 

          1.Luyện nghe với cường độ cao: 

   Việc luyện đề nghe Toeic quá nhiều có thể khiến chúng ta bị chán và nản chí khi thấy luyện nhiều nhưng không lên được điểm. Bạn có thể bắt đầu với những đoạn hội thoại ngắn trên Youtube với các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng là chúng ta cần nghe hàng ngày. Sau khi đã quen với các đoạn hội thoại ngắn và dễ hiểu, chúng ta có thể  nghe nội dung dài hơn: những đoạn hội thoại, bài phát biểu, chương trình thời sự (CNN, BBC, VOA) dài ít nhất 30 phút. Cách khác là nghe thụ động. Chúng ta có thể bật BBC radio, nghe khoảng 2 tiếng 1 ngày, không cần hiểu, vừa nghe vừa làm việc khác, nghe đến mức không bị nhức đầu, phân biệt được các từ, quen với các âm, và vẫn tập trung làm được việc khác là đạt!

Khi đã quen với các bài nghe tiếng Anh thường xuyên, chúng ta có thể lựa chọn hình thức học nghe chép chính tả  Đây là một phương pháp cổ điển, khá tốn thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhưng cực kỳ hiệu quả. Cách học này gồm 5 bước:

– Bước 1: Nghe một lượt để xem bạn hiểu được bao nhiêu % nội dung của bài.
– Bước 2: Nghe chép chính tả, từng từ, từng câu một, chỗ nào không nghe được thì  có thể để trống và chép đến hết bài. Sau đó mở script xem lại những chỗ mà bạn chưa nghe được.
– Bước 3: Nghe lại một lần nữa và hoàn thiện nốt phần thiếu mà không nhìn script.
– Bước 4: Sau khi hoàn thiện bài nghe,  vừa nhìn chữ vừa đọc to rõ ràng theo tốc độ băng.
– Bước 5: Ghi lại từ mới và học cách phát âm.

Chỉ sau khoảng 2 tháng luyện tập theo phương pháp này, khả năng nghe của bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng.

    2. Tập trung trong quá trình luyện nghe 

Mỗi nội dung trong bài nghe TOEIC kéo dài từ 30 giây đến tầm 2 phút. Một người lớn khoẻ mạnh bình thường thì thời gian tập trung trung bình là 5 phút, nên việc chúng ta tập trung được trong bài thi TOEIC không phải là điều quá khó khăn.
Tuy thế, vẫn có những yếu tố khác khiến chúng ta dễ dàng xao nhãng khi nghe tiếng Anh như chất lượng âm thanh, tiếng ồn, sự buồn ngủ hoặc mơ mộng của chính bản thân chúng ta.

  Việc học nghe trong một môi trường im lặng tuyệt đối không tốt như chúng ta vẫn nghĩ, vì thực tế, điều đó rất khó xảy ra. Ngay cả khi thi, chúng ta cũng  dễ gặp phải những yếu tố bất ngờ như tiếng lật giấy, tiếng bút loạt soạt… Hay khi giao tiếp, ta cũng không giao tiếp trong không gian im lặng.

  Có thể bạn nghĩ rằng để khắc phục những yếu tố chủ quan như tiếng ồn hay chất lượng âm thanh là điều không thể. Nhưng thực ra, chúng ta có thể học cách làm quen với nó và khiến những điều khó khăn trở nên bình thường. 

   Thế nên, bạn cần học nghe tại những khu vực có tiếng ồn để làm quen với điều đó như công viên, hành lang, cạnh cửa sổ… Một khi nghe được ngay cả ở những nơi thế này, việc tập trung trong phòng thi là điều đơn giản. 

   3. Các chiến thuật áp dụng trong bài thi Toiec Listening để đạt số điểm tốt nhất: 

  Trong phần bài thi nghe Listening, chúng ta sẽ gặp 4 phần thi với các nội dung kiểm tra khác nhau như sau: 

Phần A Nội dung thi Số câu Chi tiết
Phần 1 Hình ảnh 10 câu Tương ứng với mỗi bức ảnh, bạn sẽ được nghe 04 câu mô tả về nó. Nhiệm vụ của bạn là phải chọn câu mô tả đúng nhất cho bức ảnh.
Phần 2 Hỏi đáp 30 câu Bạn sẽ nghe một câu hỏi (hoặc câu nói) và 03 lựa chọn trả lời. Nhiệm vụ của bạn là phải chọn ra câu trả lời đúng nhất trong ba đáp án A-B-C.
Phần 3 Hội thoại ngắn 30 câu Bạn sẽ nghe 10 đoạn hội thoại ngắn. Mỗi đoạn có 03 câu hỏi. Nhiệm vụ của bạn là chọn ra câu trả lời đúng nhất trong 04 đáp án của đề thi.
Phần 4 Đoạn thông tin ngắn 30 câu Bạn sẽ nghe 10 đoạn thông tin ngắn. Mỗi đoạn có 03 câu hỏi. Nhiệm vụ của bạn là chọn ra câu trả lời đúng nhất trong số 04 đáp án được cung cấp.

 Với từng phần thi chúng ta cần phải có các chiến lược làm bài khác nhau để đạt số điểm cao nhất. Chúng tôi sẽ tổng hợp một vài kinh nghiệm làm bài thi Listening cho từng phần như sau: 

       3.1. Phần 1: Hình ảnh 

    Phần này là phần ăn điểm, có thể gọi là dễ nhất trong các phần thi TOEIC. Trong phần 1 này để đạt được điểm cao TOEIC, bạn cần thực hiện những bước sau khi làm đề và làm bài:

– Quan sát hình để chuẩn bị tâm lý về những từ vựng có thể xuất hiện.
– Trả lời 2 câu hỏi: What is(are) he(she, they) doing? Where is(are) he(she, they) doing that?
– Luôn có trong đầu một phỏng đoán bằng tiếng Anh. Khi đã có phỏng đoán trong đầu, bạn sẽ dễ dàng đối chiếu với câu được đọc trong đoạn băng.
– Chọn đáp án ngay khi băng đọc xong.
– Không nghe được thì chọn đại đừng mất thời gian tiếc nuối.
– Tận dụng thời gian giữa 2 câu để phân tích hình kế tiếp.

Tóm lại: ôn nghe phần 1 hiệu quả không chỉ ngồi nghe đề không. Bạn cần sử dụng 1 số cách như sau:

– Tự diễn tả mọi hành động của mình trong ngày ở dạng hiện tại tiếp diễn.
– Tìm hình ngẫu nhiên trên internet hoặc các đề thi TOEIC. Nhìn hình và dùng ít nhất 4 câu để miêu tả hình đó. Đọc lớn thành tiếng.
– Xem những bộ phim hài tình huống và miêu tả lại những gì đang diễn ra trong 1 cảnh phim.

Mẫu câu hỏi Part 1

   3.2. Phần 2: Hỏi đáp 

   Điểm khó cũng như điểm dễ của phần nghe này là các đoạn hỏi đáp diễn ra tự nhiên, đó là những tình huống trong tiếng Anh thực sự. Cho nên câu trả lời không phải lúc nào cũng rập khuôn như bạn học. Sẽ không có chuyện câu hỏi Yes/No mà bạn sẽ nghe câu trả lời kiểu mẫu như là Yes, I do/No, I don’t. Cũng không có chuyện câu trả lời sẽ lập lại một phần câu hỏi và thêm thông tin vào như bạn từng nghĩ đâu.

   Để làm tốt phần 2 bạn cần chú ý:

    – Luôn phải xác định được loại của câu được nói ra đầu tiên.
    – Nếu là câu hỏi thì phải nghe được là who what, when, where, why, hay how. Trong trường hợp không nghe được đáp án rõ ràng, thì cần loại bỏ những đáp án không cung cấp được thông tin cần thiết.
    – Loại bỏ ngay những câu trả lời có yes/no với câu hỏi W/H.
    – Nếu là câu hỏi Yes/No hoặc câu hỏi đuôi (tag question) thì cần chú ý câu trả lời không đơn giản chỉ là Yes hoặc No.
    – Trong trường hợp không phải câu hỏi, thì có các câu sau đây: câu ra lệnh, câu phàn nàn, câu hỏi thăm sức khoẻ, câu miêu tả tình huống.
    – Ngay khi nghe xong câu đầu phải đoán trước được câu trả lời trong đầu.
    – Những câu trả lời chính xác thường cực kì ngắn hoặc cung cấp nhiều thông tin hơn so với yêu cầu.
    – Không nghe được thì chọn đại, đừng phí thời gian nghĩ lại câu đó. Chuẩn bị tinh thần cho câu tiếp theo
    – Bẫy: những câu trả lời gây nhiễu trong phần này thường có 2 dạng sau:
        + Có những từ giống với những từ trong câu hỏi nhưng thật ra không liên quan.
+ Những từ đọc tương tự, dễ gây nhầm lẫn với câu hỏi.

Tóm lại: ôn phần 2 hiệu quả phải biết rõ cách đối đáp, những cách trả lời có thể cho câu hỏi.

Mẫu câu hỏi Part 2 

 3.3. Phần 3: Đoạn hội thoại ngắn

  Khi nghe phần 3, cần phải chú ý:

– Đọc kỹ và hiểu câu hỏi.
– Mối quan hệ giữa người nói và người nghe.
– Họ đang ở đâu? – Nói về chủ đề gì? – Vấn đề của họ là gì?.
– Những cái tên được nhắc tới trong bài là ai?
– Những thông tin cụ thể: nơi chốn cụ thể, thời gian cụ thể, số lượng cụ thể.
– Ghi nhớ rằng thứ tự của câu hỏi theo tiến trình của bài nghe – câu trả lời cho câu đầu thường nằm ở đoạn đầu, câu 2 – 3 thường nằm ở đoạn giữa và cuối.

  Do đó, để tập trung nghe đúng chỗ và khắc phục được phần nào việc không nhớ được nội dung trả lời, bạn cần lưu ý:
– Tận dụng tối đa thời gian trống để chuẩn bị đọc câu hỏi và câu trả lời tiếp theo.
– Câu nào không nghe kịp, chọn đại và bỏ qua. Tập trung cho đoạn hội thoại kế tiếp.
Bẫy: bẫy của phần này thì không có nhiều, đơn giản là nó đã quá thử thách rồi. Tuy nhiên cũng cần chú ý những thông tin gây nhiễu sau:
+ Câu trả lời sai có sẵn có 1 số từ giống hệt trong đoạn hội thoại.
+ Câu trả lời sai có những từ phủ định làm câu trở nên sai (not, hardly, don’t, won’t shouldn’t).
+ Câu trả lời sai dùng sai những trạng từ chỉ mức độ thường xuyên ( always, never, sometimes, occasionally,…).

Mẫu câu hỏi Part 3 

   3.4. Phần 4: Đoạn thông tin ngắn

 Phần này được cho là phần khó nhất trong cách luyện nghe TOEIC, tuy độ khó tương đương phần 3 nhưng do chỉ có 1 giọng đọc và là phần cuối cùng nên khi làm đến phần này các bạn thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Trong phần này cần chú ý:

    – Một lần nữa, đọc hiểu câu hỏi và câu trả lời.
    – Xác định xem đoạn thông tin thuộc dạng nào: tin tức, quảng cáo, bài nói, hướng dẫn. Đừng lo, thông tin này được cho sẵn khi giới thiệu đoạn thông tin: “Question xx to Question xy refers to the following _____”. Cần chú ý nghe xem đó là gì để chuẩn bị tinh thần và có thể loại trừ 1 số câu trả lời sai.
    – Xác định ai là người nói và chú ý kỹ đến các tên được nêu ra trong câu hỏi và câu trả lời trong bài nói.
    – Chú ý kỹ các thông tin cụ thể như địa danh, số lượng.
    – Ghi nhớ rằng thứ tự của câu hỏi theo tiến trình của bài nghe – câu trả lời cho câu đầu thường nằm ở đoạn đầu, câu 2 – 3 thường nằm ở đoạn giữa và cuối.

  Biết vậy, để tập trung nghe đúng chỗ và khắc phục được phần nào việc không nhớ được nội dung trả lời.
    – Tận dụng tối đa thời gian trống để chuẩn bị đọc câu hỏi và câu trả lời tiếp theo.
    – Câu nào không nghe kịp, chọn đại và bỏ qua. Tập trung cho đoạn hội thoại kế tiếp.

Bẫy và cách ôn luyện phần này hiệu quả tương tự phần 3.

Mẫu câu hỏi Part 4

Ngoài ra chúng ta có thể cần tới sự giúp đỡ và định hướng từ các giáo viên có kinh nghiệm và kiến thức. Bạn có thể cân nhắc đến Global E-learn, với mô hình học trực tiếp 1-1, cùng với giáo trình cá nhân hóa, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn để giúp bạn chinh phục số điểm cao nhất. Hãy ghe ngay https://e-learn.com.vn/ để tìm hiểu về khóa học TOEIC 1-1 nhé. 

Hi vọng những chia sẻ trên có ích trong quá trình chinh phục điểm số Toeic cao nhất của bạn. Chúc bạn may mắn!